Phần I: KHÁI NIỆM
- HIV/AIDS là căn bệnh thế kỷ? SAI, vì Tổ Chức Y tế thế giới đã coi đây là bệnh mạn tính như các bệnh lý thông thường khác: viêm gan virus B,C, tăng huyết áp, đái tháo đường.
- HIV/AIDS vẫn là căn bệnh bị xã hội kỳ thị và phân biệt đối xử? ĐÚNG, vì dù có nhiều nỗ lực thì định kiến xã hội vẫn chưa thay đổi, thậm chí nhân viên y tế còn có thái độ chưa tốt với bệnh nhân không may mắc HIV/AIDS, bởi vậy tại Điều 4 Luật phòng chống HIV/AIDS đã có quy định người nhiễm HIV hoàn toàn được quyền giữ kín bí mật thông tin trước tất cả mọi người kể cả đó là nhân viên y tế khi đi khám chữa bệnh.
- Mắc HIV/AIDS là chấm hết cuộc đời? SAI, vì bây giờ đã có nhiều tiến bộ, uống thuốc tốt sẽ hoàn toàn khỏe mạnh đến hết đời, so với nhiều bệnh khác như ung thư, dị tật, đột quỵ não để lại di chứng liệt thì HIV vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều.
- Khi mắc HIV/AIDS dễ bị bệnh nhiễm trùng cơ hội? ĐÚNG, vì như tên gọi của nó, khi cơ thể suy giảm miễn dịch nặng, các bệnh này sẽ có cơ hội tấn công, cơ thể khỏe mạnh, uống thuốc tốt thì không lo.
- ARV là thuốc đặc trị điều trị HIV/AIDS? ĐÚNG, vì ARV là viết tắt của tiếng Anh: AntiRetroViral có nghĩa là thuốc kháng (hay tiêu diệt hay ức chế) virus HIV.
- Hội chứng suy mòn AIDS là một chẩn đoán loại trừ? ĐÚNG, nó có nghĩa là khi một người sụt cân trên 10% trọng lượng cơ thể kèm tiêu chảy và sốt kéo dài trên 1 tháng mà không do các nguyên nhân rõ ràng như ung thư, lao, viêm ruột, viêm đại tràng, stress...thì bạn hãy nghĩ tới đó là do nhiễm HIV giai đoạn cuối (AIDS).
- AIDS là giai đoạn nặng nhất của nhiễm virus HIV? ĐÚNG, nhiễm HIV có 4 giai đoạn lâm sàng, trong đó AIDS là giai đoạn nặng nhất, nếu không điều trị kịp thời sẽ tử vong.
- HIV/AIDS là bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn? SAI, điều đó còn là trong mơ, tuy không khỏi nhưng các thuốc hiện tại giúp bệnh nhân sống khỏe hoàn toàn, không có biểu hiện xấu nào ra bên ngoài cơ thể, nhưng chính vì không khỏi hoàn toàn nên sẽ phải uống thuốc cả đời.
- HIV/AIDS chỉ xảy ra ở người lớn? SAI, bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi từ trẻ nhỏ sơ sinh đến cụ già, bất kỳ giới tính nam, nữ hay đồng tính, bất kỳ thành phần giai cấp nào của xã hội: kỹ sư, bác sỹ, giám đốc, công nhân, viên chức, doanh nhân, nông dân, thợ thủ công...
- Con số 90-90-90 là mục tiêu hành động của chương trình phòng chống HIV/AIDS? ĐÚNG, nó có nghĩa mục tiêu phấn đấu trong tương lai là 90% người nhiễm HIV biết là mình bị nhiễm, trong đó 90% số người biết mình bị nhiễm sẽ được điều trị bằng thuốc ARV, và 90% số người được điều trị bằng thuốc ARV sẽ có đáp ứng tốt với thuốc và tuân thủ điều trị chặt chẽ.
- HIV/AIDS chỉ xảy ra ở các nước nghèo? SAI, nước nào dù giàu mấy vẫn có bệnh nhân HIV/AIDS, nên nhớ ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại Mỹ vào năm 1981. Tất nhiên, các nước nghèo thì tỉ lệ lây lan nhanh hơn, khó kiểm soát hơn như châu Phi chẳng hạn, đó là vùng đất vua của các bệnh truyền nhiễm trong đó có HIV/AIDS.
- Tại châu Á, Thái Lan là nước có tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS thấp nhất. ĐÚNG, con số này là chưa đến 1%.
- Tại Việt Nam, có khoảng 50% số tỉnh, thành phố có bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. SAI, từ năm 1998 đã có thống kê báo cáo toàn bộ 100% tỉnh, thành phố trên cả nước có bệnh nhân mắc bệnh này rồi.
- Tại Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất cả nước? ĐÚNG, chỉ riêng ở đây đã chiếm gần 1/3 số người nhiễm HIV toàn quốc.
- Người trưởng thành vẫn là nhóm đối tượng có tỉ lệ nhiễm HIV cao nhất? ĐÚNG, cao nhất ở nhóm tuổi từ 15 đến 49 tuổi.
- Nông thôn không có người nhiễm HIV/AIDS? SAI, nông thôn hay bất kỳ nơi đâu đều có người nhiễm HIV/AIDS sinh sống, nhưng tất nhiên tập trung đông nhất vẫn là ở thành thị.
- Tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm người quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM) cao nhưng ổn định? ĐÚNG, vì đã có nhiều biện pháp phòng ngừa lây nhiễm kịp thời.
- Tỉ lệ gái bán dâm nhiễm HIV vẫn là cao nhất? ĐÚNG, nhiều người sẵn sàng đi khách mà không đeo bao, hơn nữa họ thường ít có suy nghĩ phải điều trị để giảm nguy cơ lây cho người khác.
- Tỉ lệ người nhiễm HIV ở Việt Nam biết được tình trạng bệnh của mình là rất cao gần 100%? SAI, theo thống kê chưa đầy đủ chỉ khoảng 40-50% số người mắc HIV phát hiện ra và được điều trị kịp thời. Đa phần là do tình cờ hoặc bệnh diễn biến nặng mới biết. Theo thống kê gần đây nhất, Việt Nam có khoảng hơn 300.000 người nhiễm HIV nhưng mới chỉ có khoảng gần 150.000 người biết và đang được điều trị.
- Tỉ lệ người nhiễm HIV luôn tăng cao từng năm theo cấp số nhân? SAI, có giai đoạn chững lại không tăng mạnh mà tương đối ổn định, tuy nhiên vài năm trở lại đây, xu hướng người mới mắc HIV lại có đà gia tăng song song với sự phát triển mạnh của cơ sở vật chất, hạ tầng và các dịch vụ vui chơi giải trí đi kèm .
- HIV lây qua 3 con đường: máu hoặc dịch tiết, quan hệ tình dục không an toàn và mẹ truyền sang con? ĐÚNG, vì biết rõ đường lây nên chúng ta có thể hoàn toàn chủ động phòng tránh.
- Đường lây nhiễm HIV phổ biến nhất hiện nay là quan hệ tình dục không an toàn? ĐÚNG, nếu vào những năm 90 của thế kỷ trước, có thời điểm nguyên nhân lây lan chính của HIV là do dùng chung kim tiêm ở những đối tượng nghiện chích ma túy. Nhưng, bơm tiêm đã quá rẻ và phổ biến, mọi người ý thức hơn nên chủ yếu ngày nay lây là do quan hệ không an toàn với người nhiễm HIV mà mình không chủ động phòng tránh.
- Bệnh HIV/AIDS cực kỳ dễ lây, chỉ quan hệ tình dục không an toàn 1 lần duy nhất là chắc chắn bị nhiễm HIV? SAI, còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như cách quan hệ, đường quan hệ, đối tượng quan hệ có bị bệnh viêm loét đường sinh dục không, có đang uống thuốc ARV không.
- Vợ hoặc chồng bị nhiễm HIV thì chắc chắn người còn lại và con cái của họ sẽ bị nhiễm HIV? SAI, rất nhiều cặp vợ chồng chỉ có 1 người bị nhiễm mà không lây cho người còn lại, con cái của họ vì thế vẫn bình thường.
- Quan hệ tình dục lúc đang chu kì kinh nguyệt, loét sinh dục, tình dục thô bạo (tình dục ''khô''), thụt rửa ở nữ sau khi quan hệ tình dục, sử dụng chất diệt tinh trùng (Nonoxynol-9, N-9) là những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV? ĐÚNG.
- Sử dụng bao cao su, tình dục không xâm nhập, cắt bao quy đầu ở nam, dùng các chất bôi trơn khi quan hệ tình dục vẫn không làm thay đổi nguy cơ lây nhiễm HIV? SAI, những hành động đó góp phần rất nhiều vào việc giảm nguy cơ lây nhiễm HIV.
- Quan hệ bằng miệng với gái mại dâm hoặc oral sex với gái mát xa (massage) vẫn có nguy cơ lây nhiễm HIV? ĐÚNG, và nguy cơ này sẽ càng cao hơn nếu người phụ nữ đó đang bị viêm nhiễm vùng răng miệng hoặc cố tình tìm cách lây bệnh cho người khác.
- Nguy cơ lây nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn với gại mại dâm cao hơn rất nhiều lần so với nguy cơ lây HIV từ việc sống chung với người nhiễm HIV đang điều trị. ĐÚNG, quan hệ với gái mại dâm dễ lây hơn nhiều vì họ thường không uống thuốc điều trị HIV dù mình có mắc bệnh hay không, quan hệ tình dục nhiều nên đường sinh dục của họ hay bị viêm loét, quan hệ tình dục với gái mại dâm thường trong hoàn cảnh say xỉn, hưng phấn tột độ nên quan hệ rất thô bạo...
- Nếu quan hệ tình dục với gái mại dâm không an toàn, tuột hoặc rách bao cao su mà uống thuốc ARV kịp thời trong vòng 72 giờ thì gần như không bị nhiễm HIV. ĐÚNG, vấn để là uống kịp thời gian, đúng phác đồ và đủ liệu trình 28 ngày.
- Máu hoặc dịch tiết của bệnh nhân HIV/AIDS bắn lên da lành người bình thường thì không có khả năng lây nhiễm HIV? ĐÚNG, điều này hoàn toàn chính xác cho nên không phải trường hợp nào cũng cần uống thuốc điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV.
- Phơi nhiễm HIV là chắc chắn sẽ bị nhiễm HIV? SAI, cụm từ ''phơi nhiễm'', dùng để chỉ hành vi mang yếu tố nguy cơ có thể khiến người khác bị lây HIV như: quan hệ tình dục không an toàn với đối tượng không rõ nguồn gốc, dẫm đạp bơm kim tiêm dính máu không rõ nguồn gốc, máu hoặc dịch tiết của bệnh nhân HIV bắn vào da bị tổn thương trầy xước hoặc niêm mạc mắt, mũi người lành...
- Ngoài lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục không an toàn còn có nguy cơ lây rất nhiều bệnh khác nữa? ĐÚNG, ví dụ lây các bệnh xã hội như: lậu, giang mai, sùi mào gà...hay viêm gan virus B, C...
- Sau khi có nguy cơ lây nhiễm HIV mà xuất hiện sốt, phát ban, đau nhức người, đau đầu, mệt mỏi... là chắc chắn sẽ bị nhiễm HIV? SAI, giai đoạn mới nhiễm HIV có thể có một vài triệu chứng kể trên nhưng rất hiếm và không rầm rộ, hơn nữa những triệu chứng đó có thể trùng hợp do bị sốt siêu vi hay sốt xuất huyết...thực tế đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy. Ngoài ra, do stress, suy nghĩ căng thẳng quá mức nên sinh ra hoang tưởng, tự nghĩ mình bị các triệu chứng của nhiễm HIV.
- Sau khi có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, đợi đủ 3 tháng xét nghiệm sẽ biết chắc chắn mình có bị nhiễm HIV hay không? ĐÚNG, không cần vội vàng đi xét nghiệm ngay, hãy bình tĩnh và an tâm nếu bạn đã uống thuốc ARV kịp thời, vì 3 tháng là giai đoạn cửa sổ, làm xét nghiệm trong giai đoạn này có thể âm tính giả.
- Nếu đang uống thuốc ARV để điều trị phơi nhiễm HIV mà lại xuất hiện nguy cơ lây HIV mới, ta không cần làm gì thêm? SAI, bạn sẽ phải uống phác đồ ARV điều trị PEP với thời gian kéo dài thêm 28 ngày.
- Con sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV chắc chắn cũng sẽ bị lây HIV. SAI, tùy thuộc nhiều yếu tố, mẹ có đang điều trị ARV không, tải lượng virus HIV của mẹ ra sao, con sinh ra có được uống thuốc dự phòng lây nhiễm HIV kịp thời không...
- HIV có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, khi chuyển dạ và cho con bú? ĐÚNG, vì vậy cần phải điều trị càng sớm càng tốt nếu phát hiện mẹ mang thai mà nhiễm HIV.
- HIV có thể lây truyền từ nam sang nữ và ngược lại, tuy nhiên tỉ lệ nam lây cho nữ cao gấp 10 lần so với nữ lây cho nam? ĐÚNG, các nhà khoa học đã chứng minh điều này dựa vào sự khác nhau về cấu trúc giải phẫu, sinh lý cơ quan sinh dục nam, nữ.
- Phơi nhiễm HIV trầm trọng bao gồm các hình thức truyền máu, tiêm một lượng lớn máu hoặc dịch cơ thể (>1ml), phơi nhiễm với mẫu xét nghiệm trong phòng thí nghiệm có một số lượng lớn virus? ĐÚNG, với những trường hợp này thì nguy cơ sẽ bị nhiễm HIV là cao nhất.
- Phòng ngừa lây nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn bằng cách duy nhất là uống thuốc ARV ngay sau khi quan hệ? SAI, đó chỉ là một cách: điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP), người ta còn có cách dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), tức là chủ động uống thuốc ARV vài tuần trước khi mình định quan hệ không an toàn với đối tượng có nguy cơ mắc HIV. Cách này hiệu quả an toàn gần như tuyệt đối.
- Chẩn đoán chắc chắn một người bị nhiễm HIV chỉ cần dựa vào khám xét lâm sàng? SAI, bắt buộc phải xét nghiệm tại cơ sở y tế đủ năng lực để khẳng định nhiễm HIV.
- Test nhanh chẩn đoán nhiễm HIV thường không chính xác? SAI, với công nghệ hiện đại những test nhanh chẩn đoán nhiễm HIV bây giờ rất chính xác, lên tới 99%. Việc đi làm xét nghiệm khẳng định tại Bệnh viện mục đích để cho chắc chắn hơn và theo quy định của luật do tính chất bệnh HIV còn bị kỳ thị nhiều nên không được phép chẩn đoán sai lầm.
- Bất kỳ cơ sở y tế hay bệnh viên lớn nào cũng được phép làm xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV? SAI, chỉ những cơ sở y tế đủ năng lực được Bộ Y tế cho phép mới có quyền khẳng định một người nhiễm HIV hay là không.
- Các xét nghiệm chẩn đoán HIV chỉ nhằm một mục đích là xem người nào đó có bị nhiễm HIV hay không? SAI, Bộ y tế đã phân loại, chiến lược làm xét nghiệm HIV thành 3 loại: chiến lược I để sàng lọc trong an toàn truyền máu, chiến lược II để giám sát dịch tễ xem vùng miền nào đó tỉ lệ nhiễm HIV là bao nhiêu, chiến lược III để khẳng định chắc chắn một người bị nhiễm HIV hay không.
- Đã đi làm xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV tại các bệnh viện là sẽ bị lộ thông tin? SAI, việc bạn đi làm xét nghiệm ở đâu, khai tên gì là hoàn toàn do bạn quyết định. Không muốn lộ thông tin thì khi đi làm xét nghiệm khai tên A,B,C gì đó...Lưu ý là cái này chỉ áp dụng cho khám, xét nghiệm và điều trị tư nhân, khám theo chương trình bảo hiểm, chương trình phòng chống AIDS của Nhà nước thì không ai dám đảm bảo tuyệt đối thông tin của bạn sẽ không bị lộ khi có chuyện gì đó xảy ra.
- Xét nghiệm đo tải lượng virus HIV trong máu bệnh nhân rất có ý nghĩa trong chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS? ĐÚNG, không chỉ giúp chẩn đoán sớm người bị nhiễm HIV, trẻ nhỏ bị nhiễm HIV mà còn giúp tiên lượng về điều trị, đánh giá đáp ứng với thuốc ARV...
- Xét nghiệm HIV rất đắt tiền? SAI, có những chương trình hỗ trợ xét nghiệm hoàn toàn miễn phí, nếu muốn đảm bảo bí mật thông tin thì xét nghiệm dịch vụ tốn khoảng vài trăm ngàn đồng.
- Chỉ có phương pháp test nhanh chẩn đoán nhiễm HIV duy nhất bằng máu? SAI, có test nhanh chẩn đoán HIV bằng nước bọt, nhưng bằng máu vẫn là chính xác hơn.
- Test nhanh chẩn đoán HIV phải sau 1-2 tiếng mới có kết quả? SAI, chỉ cần chờ 5-10 phút.
- Xét nghiệm khẳng định chắc chắn nhiễm HIV chỉ cần chờ vài tiếng là có kết quả? SAI, phải chờ vài ngày cho đến hơn 1 tuần, tùy theo cơ sở xét nghiệm và lí do riêng của mỗi trung tâm, đa phần khoảng 1 tuần sẽ trả kết quả.
- Triệu chứng sớm khi mới bị nhiễm HIV là sụt cân, da toàn thân bị lở loét và nấm miệng? SAI, những triệu chứng này mà xuất hiện thì đã ở giai đoạn AIDS, giai đoạn sớm thường không có triệu chứng gì cả.
- Các biểu hiện ngoài da của bệnh nhân HIV giai đoạn AIDS rất đặc trưng? ĐÚNG, chính vì vậy mà nhiều bác sĩ chỉ cần nhìn bên ngoài đã biết bệnh nhân nào bị AIDS, tuy nhiên chỉ là ở giai đoạn AIDS thôi, những giai đoạn khác nhẹ hơn không biết được đâu.
- Khi nhiễm HIV mà không điều trị thì triệu chứng luôn diễn biến theo trình tự từ giai đoạn lâm sàng 1 đến 2 đến 3 và cuối cùng là giai đoạn AIDS? SAI, đa phần là âm thầm sau nhiều năm và bùng phát giai đoạn AIDS luôn, vì vậy nhiều người phát hiện nhiễm HIV đã ở giai đoạn rất muộn.
- Nếu đã xuất hiện triệu chứng nấm thực quản, không ăn uống được thì bệnh nhân HIV đó chắc chắn ở giai đoạn AIDS? ĐÚNG.
- Suy giảm miễn dịch nặng là khi số lượng tế bào lympho T_CD4 thấp dưới 500 tế bào/ mm3? SAI, phải thấp dưới 200, dưới 500 là suy giảm nhẹ, dưới 350 là suy giảm tiến triển.
- Làm xét đếm số lượng tế bào CD4 khó thực hiện hơn xét nghiệm khẳng định HIV? SAI, chỉ rất ít nơi được quyền xét nghiệm khẳng định HIV, nhưng CD4 thì nhiều phòng khám quy mô vừa cũng làm được.
- Xét nghiệm CD4 rất rẻ nên làm thường xuyên liên tục hàng tháng để đánh giá điều trị? SAI, bản thân nó không phải quá rẻ mà cũng không phải cơ sở y tế nào cũng làm được, hơn nữa theo khuyến cáo nếu điều trị bằng thuốc ARV ổn định thì 6 tháng đến 1 năm mới phải kiểm tra CD4 một lần.
- Các bệnh chỉ điểm của giai đoạn AIDS là: viêm phổi PCP, viêm não Toxoplasma, nhiễm CMV, nhiễm MAC? ĐÚNG, các bệnh này chỉ xảy ra ở giai đoạn suy giảm miễn dịch rất nặng (AIDS) và chính chúng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở bệnh nhân HIV/AIDS không được điều trị kịp thời.
- Chẩn đoán giai đoạn bệnh đúng rất quan trọng trong điều trị? ĐÚNG, khi chẩn đoán đúng không chỉ giúp chọn thuốc và phác đồ điều trị hợp lý, mà còn giúp tiên lượng cho bệnh nhân để tránh xảy ra tử vong.
- Triệu chứng của nhiễm HIV/AIDS ở mọi người hoàn toàn giống nhau? SAI, mỗi một người sẽ có biểu hiện hoàn toàn khác nhau dù ở giai đoạn nào đi nữa.
- HIV/AIDS phải đến giai đoạn nặng mới cần điều trị? SAI, điều trị càng sớm càng tốt khi phát hiện nhiễm HIV.
- Điều trị HIV/AIDS có thể ngừng thuốc khi virus dưới ngưỡng phát hiện? SAI, vẫn phải uống thuốc cả đời.
- Điều trị HIV/AIDS bắt buộc phải mất tiền? SAI, có thể điều trị miễn phí theo chương trình Nhà nước, trừ khi muốn bảo mật thông tin tuyệt đối thì điều trị tư nhân phải trả tiền.
- Điều trị HIV/AIDS bắt buộc phải đến bệnh viện? SAI, tùy giai đoạn, quá nặng thì đến viện, bình thường có thể uống thuốc tại nhà.
- Muốn điều trị HIV/AIDS thì phải khai báo thông tin cá nhân dù là điều trị tư nhân hay bảo hiểm? SAI, điều trị tư nhân không phải cung cấp thông tin cá nhân gì hết.
- Bác sĩ nào cũng có thể điều trị HIV/AIDS? SAI, chỉ những bác sĩ được đào tạo chuyên về HIV/AIDS có chứng chỉ Nhà nước cấp mới có quyền tư vấn điều trị cho bệnh nhân HIV.
- Điều trị ở Bệnh viện lớn chắc chắn sẽ tốt hơn điều trị tư nhân? SAI, với các bệnh khác thì có thể đúng, nhưng HIV/AIDS là câu chuyện hoàn toàn khác. Có những bệnh nhân bị nặng hơn khi điều trị tại viện lớn nhất nhì đất nước Việt Nam về bệnh này. Không phải chỉ về vấn đề chuyên môn, sự quan tâm sâu sát bệnh nhân, sự cập nhật và kinh nghiệm điều trị những thuốc mới nhất, tốt nhất cho bệnh nhân mà một vấn đề nữa cực kỳ quan trọng là thái độ kỳ thị.
- Điều trị HIV/AIDS chỉ cần uống thuốc là đủ? SAI, cần phải có lối sống sinh hoạt lành mạnh, điều độ, nghỉ ngơi hợp lý, sự chia sẻ động viên của người thân và bản thân bệnh nhân cần có cái nhìn tích cực lạc quan.
- Điều trị HIV/AIDS mọi giai đoạn nặng nhẹ đều chỉ cần uống thuốc ARV như nhau? SAI, mỗi giai đoạn sẽ cần có thêm những thuốc hỗ trợ khác nhau.
- Hiện nay đã có những thuốc tiêm kích thích miễn dịch giúp cứu sống bệnh nhân HIV giai đoạn nặng nhất AIDS? ĐÚNG, tuy nhiên giá còn cao, ít bác sĩ biết vì đỏi hỏi kinh nghiệm thực tế nước ngoài và thuốc cũng rất hiếm.
- Thất bại điều trị HIV/AIDS là khi bệnh nhân uống thuốc ARV được vài tháng mà không thấy tăng cân? SAI, cần phải thời gian ít nhất 1 năm và phải được đánh giá thất bại điều trị dựa trên đầy đủ các tiêu chuẩn về lâm sàng, miễn dịch và virus học.
- Cả đời chỉ cần uống một loại thuốc ARV để điều trị HIV? SAI, có nhiều trường hợp phải đổi thuốc tùy theo đáp ứng của bệnh nhân, tình trạng kháng thuốc hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng do thuốc ARV gây ra.
- Điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam bằng thuốc ARV có 2 bậc cơ bản là phác đồ bậc 1 và phác đồ bậc 2. ĐÚNG, theo chương trình phòng chống HIV/AIDS của Bộ y tế thì hiện tại đang áp dụng phác đồ bậc 1 và bậc 2 tại Việt Nam. Tuy nhiên, những bác sĩ chuyên điều trị HIV thì đã nhập thuốc bậc 3 về Việt Nam cho bệnh nhân.
- Cần phải điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân HIV/AIDS? ĐÚNG, những bệnh nhân có suy giảm miễn dịch tiến triển hoặc suy giảm nặng cần phải uống thuốc dự phòng nhiễm trùng cơ hội.
- Điều trị HIV/AIDS đúng, đủ và kịp thời không những có thể cứu sống tính mạng bệnh nhân mà còn có thể giúp họ từ giai đoạn AIDS trở về giai đoạn bình thường không triệu chứng? ĐÚNG, nhưng cần phải có sự tích cực điều trị rất lớn, bác sĩ phải thật giỏi và nhiệt tình.
- Điều trị HIV/AIDS ở nước ngoài tốt hơn rất nhiều ở Việt Nam? SAI, cũng giống như ở Việt Nam, có chỗ tốt chỗ không, cũng có trường hợp kỳ thị bệnh nhân còn tệ hơn ở Việt Nam.
- Nếu không điều trị, bệnh nhân HIV/AIDS không chỉ dễ mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội mà còn tăng nguy cơ bị ung thư? ĐÚNG, một số ung thư hay gặp ở bệnh nhân AIDS như Kaposi sarcoma, Non-Hodgkin's Lymphoma, ung thư cổ tử cung...
- Điều trị HIV/AIDS ở bệnh nhân đồng nhiễm với viêm gan virus B,C... thì phải ngừng uống thuốc ARV, điều trị xong bệnh viêm gan B,C... mới uống lại thuốc ARV? SAI, cứ uống ARV bình thường, uống thêm thuốc điều trị bệnh kết hợp.
- Nếu quên uống thuốc ARV vài lần là coi như thất bại điều trị, virus HIV sẽ kháng thuốc và phải đổi phác đồ điều trị ngay lập tức? SAI, không dễ mà kháng thuốc ngay vậy được, nên nhớ thuốc ARV điều trị HIV có tới 3 loại hoạt chất kết hợp với nhau để không những mang lại hiệu quả điều trị HIV tốt nhất, mà còn để phòng ngừa tình trạng kháng thuốc khi không may xảy ra những tình huống như vậy.
- Điều trị HIV/AIDS theo chương trình miễn phí còn nhiều hạn chế? ĐÚNG, ví dụ mất thuốc hoặc có việc đi xa lâu ngày không thể xin cấp nhiều hơn được, có bệnh nhân dùng phác đồ bắt buộc theo chương trình lâu ngày bị sinh ụ trâu ở lưng, teo cơ đùi, hóp má muốn đổi phác đồ mà không được...
- Thuốc ARV là thuốc tiêu diệt virus HIV tốt nhất tính đến thời điểm hiện tại? ĐÚNG, chưa có thuốc nào tốt hơn được áp dụng rộng rãi trên bệnh nhân.
- Thuốc ARV uống kiên trì vài chục năm có thể chữa khỏi hoàn toàn HIV? SAI, không chữa khỏi nhưng đã giúp rất nhiều bệnh nhân sống hoàn toàn khỏe mạnh vài chục năm nay.
- Đã uống thuốc ARV ổn định thì không bao giờ cần làm xét nghiệm nữa? SAI, vẫn phải định kỳ đi làm xét nghiệm để phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc trên các cơ quan nội tạng mà mắt thường nhìn bên ngoài không thấy, đồng thời phát hiện và ngăn ngừa kịp thời tình trạng kháng thuốc nếu có xảy ra.
- Thuốc ARV phải uống đúng giờ nhất định? ĐÚNG, điều này rất quan trọng, nó quyết định thành hay bại của phác đồ và tình trạng kháng thuốc có thể xảy ra.
- Thuốc ARV chỉ được uống sau khi đã ăn cơm thật no? SAI, thuốc không phụ thuộc no hay đói.
- Thuốc ARV chỉ có một loại duy nhất ghi là chữ ARV trên vỏ thuốc? SAI, có hàng trăm loại thuốc ARV khác nhau và không có thuốc ARV nào đang được áp dụng điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS lại ghi chữ ARV trên vỏ thuốc.
- Mua thuốc ARV rất đắt, cả chục triệu 1 lọ? SAI, nếu phải mua thuốc ARV thì tùy theo phác đồ, hãng sản xuất và bậc điều trị mà giá dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một lọ uống trong một tháng.
- Mua thuốc ARV rất dễ dàng, ở đâu cũng bán được? SAI, chỉ những bác sĩ được đào tạo bài bản có chứng chỉ mới có quyền tư vấn, cấp thuốc cho bệnh nhân.
- Thuốc ARV vừa để điều trị bệnh nhân đã nhiễm HIV/AIDS nhưng cũng để điều trị dự phòng lây nhiễm cho người bình thường? ĐÚNG.
- Thuốc ARV chỉ được sản xuất ở nước ngoài? SAI, nhưng thuốc nước ngoài tốt hơn.
- Mua thuốc ARV ở Việt Nam nhưng vẫn có thể mang đi nước ngoài? ĐÚNG, nhiều bệnh nhân HIV/AIDS đã mua và mang thuốc sang được các nước trên thế giới: Mỹ, Anh, Úc, Nhật, Thái Lan, Myanmar, Malaysia...
- Chưa có loại thuốc ARV mới nào được sản xuất trong những năm gần đây? SAI, ở Mỹ sản xuất ra khá nhiều loại mới rồi, nhưng còn quá đắt, chưa áp dụng bán rộng rãi, mà hiệu quả điều trị cơ bản không có gì gọi là vượt bậc.
- Thuốc ARV chỉ có dạng viên nén? SAI, nó còn có dạng dung dịch, nhưng chỉ để dành cho trẻ em.
- Tác dụng phụ của thuốc ARV là tương đối nhiều? ĐÚNG, đặc biệt khi mới uống có thể mệt mỏi, chóng mặt, buồn ngủ, buồn nôn, đau đầu, phát ban...
- Uống thuốc ARV lâu dài gây ra tác dụng phụ lên da rất xấu? SAI, chỉ có rất ít trường hợp uống thuốc gây xạm da, rối loạn phân bố mỡ...nhưng đó là phác đồ cũ và điều trị theo (OPC) chương trình miễn phí của Nhà nước mà thôi.
- Tác dụng phụ của thuốc ARV thường gây nguy hiểm tới tính mạng? SAI, đúng là có nhiều tác dụng phụ, nhưng đa phần uống thuốc ARV lâu dài không gây ra biểu hiện gì cả, hơn nữa những tác dụng phụ đó có thể điều trị được, cũng rất nhẹ, chỉ một số rất ít là có thể gây dị ứng nặng ảnh hưởng tới sức khỏe mà thôi.
- Nếu bị dị ứng thuốc ARV là phải đổi sang loại khác ngay lập tức bất kể dị ứng nặng hay nhẹ? SAI, phải dị ứng rất nặng mới cần đổi thuốc, mới uống có thể phản ứng của cơ thể gây khó chịu, sau một thời gian là bình thường.
- Liều lượng uống thuốc ARV cơ bản là như nhau đối với người trưởng thành? ĐÚNG, không có khác biệt nhiều, chỉ cần quan tâm liều theo cân nặng ở trẻ em.
- Cứ phát hiện nhiễm HIV là điều trị ngay bằng thuốc ARV bất kể bệnh nhân đó đang có bệnh nhiễm trùng cơ hội rất nặng? SAI, phải xử lý bệnh nhiễm trùng cơ hội để cứu tính mạng bệnh nhân trước, sau đó dùng thuốc ARV vì thuốc ARV phải từ từ sau nhiều tuần uống mới bắt đầu phát huy tác dụng rõ rệt.
- Hiệu quả điều trị của thuốc ARV bị ảnh hưởng bởi một số loại thuốc khác và bia rươu? ĐÚNG, khi đang uống thuốc ARV thì không nên uống bia rượu hoặc các loại thuốc tương kỵ mà sát với thời điểm uống ARV, nên cách xa ra nhiều giờ đồng hồ.