Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

DIỄN TIẾN TỰ NHIÊN THEO 4 GIAI ĐOẠN CỦA NHIỄM VIRUS VIÊM GAN B (HBV) MẠN TÍNH - CẬP NHẬT KIẾN THỨC VIÊM GAN B TỐT NHẤT Ở TPHCM (SÀI GÒN)

      Thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay trên toàn cầu có khoảng 240 triệu người mắc bệnh viêm gan B mạn tính, trong đó tập trung nhiều nhất tại Châu Phi và Châu Á. Mỗi năm viêm gan B mạn tính đã cướp đi sinh mạng của 310.000 người vì biến chứng xơ gan và khoảng 340.000 người vì ung thư biểu mô tế bào gan. Do đó chúng ta cần hiểu về diễn biến của bệnh viêm gan B mạn tính và cách thức theo dõi, điều trị sao cho hợp lý nhất, tránh gây hậu quả khôn lường về sau. Bản chất khi virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể con người sẽ tạo ra một trận chiến giữa lực lượng bảo vệ cơ thể siêu cường, siêu bền bỉ - Hệ thống miễn dịch và đối thủ cứng đầu, sừng sỏ không kém phần nguy hiểm - Virus viêm gan B. Thực ra cuộc chiến ấy luôn diễn ra từng ngày từng giờ trong cơ thể bệnh nhân mắc bệnh viêm gan B mạn tính, chỉ có điều nó chưa thể hiện ra ngoài nếu hệ miễn dịch của chúng ta đủ khỏe để kiểm soát, tấn công lại virus, còn nếu khi hệ miễn dịch yếu đi, virus trở nên mạnh mẽ, hoạt động dữ dội phá nát gan bệnh nhân, lúc đó sẽ có biểu hiện vàng da, vàng mắt, chán ăn, mệt mỏi...bởi vậy người ta mới gọi virus viêm gan B là kẻ giết người thầm lặng.
      Theo đồng thuận của Hiệp hội gan mật Hoa Kỳ AASLD (American Association for the Study of Liver Diseases), Hiệp hội gan mật Châu Âu EASL (European Association for the Study of the Liver) và Hội gan mật Châu Á Thái Bình Dương APASL (Asian Pacific Association for the Study of the Liver) mới nhất thì viêm gan B mạn tính diễn tiến tự nhiên theo 4 giai đoạn sau:
  1. Dung nạp miễn dịch (giai đoạn hòa bình): ở giai đoạn này virus viêm gan B tăng sinh, sao chép mạnh nhưng gây viêm ít hoặc không gây viêm gan và xơ gan. Biểu hiện men gan ALT bình thường trong khi tải lượng HBV-DNA tăng rất cao, thường trên 1.000.000 IU/ml. Thời gian của giai đoạn này kéo dài khác nhau ở mỗi bệnh nhân, tuy nhiên dài nhất ở những người nhiễm virus viêm gan B vào thời điểm 3 tháng cuối của thai kỳ. Tuổi bệnh nhân càng cao thì sẽ càng có khuynh hướng chuyển sớm sang giai đoạn hoạt động miễn dịch HBeAg (+).
  2. Hoạt động miễn dịch HBeAg dương tính (+) hay thải trừ miễn dịch (giai đoạn chiến tranh): ở giai đoạn này men gan ALT tăng cao, tải lượng virus HBV-DNA tăng cao và tình trạng tổn thương mô học của gan cũng nặng nề. Tuổi trung bình của bệnh nhân bắt đầu xảy ra giai đoạn này là 30. Giai đoạn này đòi hỏi sự theo dõi sát sao của nhân viên y tế và cần tới những thuốc điều trị đặc hiệu kháng virus. Giai đoạn này kết thúc khi có sự chuyển đảo huyết thanh biểu hiện bằng việc sinh kháng thể anti-HBe. Tuy nhiên tỉ lệ chuyển đảo huyết thanh diễn ra một cách tự nhiên cũng khác nhau theo lứa tuổi: dưới 2% ở trẻ nhỏ hơn 3 tuổi, tăng dần lên ở giai đoạn tuổi dậy thì là 8% và khi trưởng thành là 12%. Không phải bệnh nhân nào cũng phải trải qua giai đoạn này, đó là những người lành mang virus viêm gan B không hoạt động gọi tắt là người lành mang trùng.
  3. Giai đoạn không hoạt động hay kiểm soát miễn dịch (giai đoạn bảo vệ): ở giai đoạn này anti-HBe (+), các chỉ số men gan ALT bình thường, tải lượng HBV-DNA rất thấp hoặc âm tính, tuy nhiên vẫn có tình trạng tổn thương gan âm thầm diễn ra. Khoảng 67% - 80% bệnh nhân có chuyển đảo huyết thanh sẽ duy trì trạng thái này trong thời gian dài, khoảng 4% - 20% người lành có virus không hoạt động (nhưng không có chuyển đảo huyết thanh) sẽ có một hoặc nhiều lần rơi lại vào trạng thái HBeAg dương tính.
  4. Tái hoạt động miễn dịch HBeAg âm tính (-) hay trốn thoát miễn dịch (giai đoạn suy yếu): tức là những người phải có anti-HBe (+) thì mới có giai đoạn này, hệ miễn dịch của một số bệnh nhân không còn đủ khỏe để kiểm soát virus viêm gan B dẫn tới chúng tái hoạt động, tăng sinh. Khoảng 10% - 30% bệnh nhân có chuyển đảo huyết thanh sẽ tái tăng sinh HBV-DNA và men gan ALT cũng leo cao, 10% - 20% người lành mang virus viêm gan B không hoạt động sẽ có hiện tượng kích hoạt sao chép HBV-DNA trở lại giống như giai đoạn dung nạp miễn dịch và gây ra viêm gan nặng nề sau nhiều năm ngủ yên. Đa phần họ mang những gen đột biến tiềm ẩn của virus viêm gan B, không gây ra hậu quả tăng men gan nhiều nhưng hình ảnh mô học lại chỉ ra có viêm gan hoại tử và xơ gan. Những bệnh nhân viêm gan B mạn HBeAg âm tính thường có tải lượng virus HBV-DNA thấp hơn và có nhiều đợt dao động bất thường hơn so với người có HBeAg dương tính cho nên khó mà xác định được thời điểm có thể ngừng thuốc kháng virus an toàn cho những bệnh nhân viêm gan B mạn HBeAg âm.
Giản đồ tóm tắt 4 giai đoạn của nhiễm virus viêm gan B mạn tính:


Nguồn: NCBI
    Mọi thắc mắc xin liên hệ: BS.THẮNG 0988778115 hoặc tại địa chỉ Nhà thuốc HỒNG NHUNG 41A Hồng Hà, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM cách sân bay Tân Sơn Nhất 600m, SĐT: 0974433519
Hãy điều trị ngay trước khi quá muộn, kẻ giết người thầm lặng sẽ khiến lá gan của bạn tiến triển như thế này đây


QUAN TÂM NHIỀU NHẤT TRONG TUẦN QUA