BỆNH SỐT RÉT
1.1. Lịch sử:
Sốt rét là một trong những bệnh cổ nhất được biết đến ở loài người. Một hội chứng gồm sốt, ớn lạnh có chu kỳ (được xem là sốt rét) đã được mô tả trong y văn cổ Trung Hoa (Nei Ching Canon of Medicine, 2700 trước CN) và trong các bản thảo viết trong giấy cỏ chỉ Ebers (1570 trước CN). Bệnh sốt rét được ghi nhận bởi các bác sĩ người Hy Lạp và La Mã (Hippocrates, Celcus và Galen). Hippocrates đã ghi nhận có mối liên quan giữa bệnh sốt rét và đầm lầy. Người La Mã đã đào kênh làm tiêu thoát nước ở đầm lầy để kiểm soát bệnh sốt rét. Tuy nhiên trong suốt gần 2000 năm sau đó, người ta vẫn không khám phá ra được ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) và vai trò của muỗi trong bệnh sốt rét. Đến năm 1880, Laveran đã nhìn thấy và mô tả KSTSR trong hồng cầu và Ronald Ross đã tìm thấy dạng phát triển của KSTSR trong cơ thể muỗi (trước đó đã hút máu bệnh nhân bị sốt rét) vào năm 1897. Laveran và Ross đã nhận giải Nobel nhờ vào những khám phá này. Vào đầu thế kỷ XVII, người ta đã khám phá ra hiệu quả điều trị sốt của vỏ cây Cinchona (có tên gọi lúc đó là “Peruvian bark”). Mãi đến năm 1820, hoạt chất chính của nó là quinine mới được phân lập. Vào thế kỷ XX, người ta bắt đầu tìm ra các thuốc kháng sốt rét tổng hợp (pamaquine, mepacrine, chloroquine, proguanil, primaquine, pyrimethamine…) và các thuốc diệt côn trùng (như DDT…).
1.2. Định nghĩa:
Bệnh sốt rét là một bệnh do ký sinh trùng Plasmodium gây ra và truyền từ người bệnh sang người lành qua muỗi Anopheles.
1.3. Tình hình sốt rét tại Việt Nam:
Sốt rét là bệnh ký sinh trùng quan trọng nhất ở người, bệnh lan truyền ở 108 quốc gia (chủ yếu ở châu Phi, Mỹ la tinh, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương), ảnh hưởng hơn 3,3 tỷ người và gây 0.5 – 1 triệu trường hợp tử vong hằng năm. Ở Việt Nam, bệnh sốt rét được xếp là bệnh hàng đầu về cả số mắc và số chết trong thập niên 1990.
2. TÁC NHÂN GÂY BỆNH:
KSTSR là một đơn bào, họ Plasmodiidae, lớp Protozoa, loài Plasmodium. Theo y văn, có 5 loại ký sinh trùng Plasmodium gây bệnh sốt rét ở người: Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium malariae, Plasmodium ovale và Plasmodium knowlesi. Gần đây có nhiều báo cáo về loại KSTSR thứ 5 gây bệnh ở người, đó là Plasmodium knowlesi. Đây là loại KSTSR có ký chủ nguyên phát ở loài khỉ “tai dài” (Macaca fascicularis) và khỉ “tai heo” (Macaca nemestrina). Tác nhân này được ghi nhận gây bệnh trên người ở nhiều quốc gia vùng Đông Nam Á như: Malaysia, Thái Lan, Miến Điện, Philippine, Singapore và Việt Nam. Hình thể KST trên lam máu nhuộm Giemsa rất dễ nhầm lẫn với P. malariae nhưng có thời gian chu trình hồng cầu là 24 giờ.